Vì sao phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế?
Đăng ngày: 08/04/2019 02:12:5PM

Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế xuất phát từ những vấn đề cuộc sống của con người nó có những rủi ro, rủi ro là cái sự cố xảy ra hàng ngày gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống con người, những rủi ro này có những cái tránh được nhưng cũng có những cái không tránh được, có những rủi ro do thiên nhiên, nhưng cũng có những rủi ro do chính con người tạo ra. Vậy thì muốn có một xã hội an sinh thì phải có phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu rủi ro, khắc phục rủi ro, ấy chính là vấn đề an sinh xã hội

    Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề sức khỏe và có thể nói đây là một trong những điều thể hiện tính nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Người định nghĩa về sức khỏe đầu tiên trên thế giới không ai khác lại là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 27 tháng 3 năm 1946, chào mừng Nha Thanh niên và thể thao Trung ương ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài trên báo Cứu quốc, nhan đề: Sức khỏe và thể dục, bài này có 15 dòng nhưng giữa bài có 01 câu rất triết lý: “Khí huyết lưu thông, tinh thần thoải mái, thế là sức khỏe”. 32 năm sau 1978 tổ chức Y tế thế giới họp tại thủ đô của Kazactan, lần đầu tiên Tổ chức Y tế thế giới mới đưa ra định nghĩa: Sức khỏe là trạng thái thoải mái về thể chất lẫn tinh thần chứ không chỉ là không có bệnh tật.
    Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế xuất phát từ những vấn đề cuộc sống của con người nó có những rủi ro, rủi ro là cái sự cố xảy ra hàng ngày gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống con người, những rủi ro này có những cái tránh được nhưng cũng có những cái không tránh được, có những rủi ro do thiên nhiên, nhưng cũng có những rủi ro do chính con người tạo ra. Vậy thì muốn có một xã hội an sinh thì phải có phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu rủi ro, khắc phục rủi ro, ấy chính là vấn đề an sinh xã hội. Hiện nay, vấn đề an sinh xã hội có 03 giải pháp lớn:
    (1) Giải pháp thứ nhất là bảo hiểm,
    (2) Giải pháp thứ hai là chính sách xã hội, là chính sách đối với một nhóm người và tùy theo đặc điểm của xã hội mà người cầm quyền đặt ra các chính sách cụ thể. Ví dụ: đối với đất nước chúng ta, cuộc chiến tranh kéo dài, có sự hi sinh mất mát và có những người hi sinh xương máu giành độc lập cho đất nước, chúng ta có chính sách người có công. Đó là chính sách của Nhà nước đối với nhóm đối tượng này và đó là chính sách đặc thù của Việt Nam.
    (3) Giải pháp thứ ba là cứu trợ xã hội, cứu trợ xã hội xảy ra khi tức thì, ví dụ như: vấn đề bão lụt, thiên tai, chúng ta quyên góp tiền để cứu trợ nhân dân các vùng bị thiên tai đó là cứu trợ xã hội.
    Nhưng so với giải pháp chính sách xã hội và  cứu trợ xã hội thì bảo hiểm nó lại mang tính chất căn cơ, dài lâu và phổ biến hơn nhiều. Như vậy nhóm thứ ba là vấn đề bảo hiểm trong đó có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp … Đó là những giải pháp phổ biến đối với một số đông người và mang tính chất dài lâu, tạo nên những quyết sách, giải pháp về bảo hiểm có căn cơ vì nó sẽ phủ rộng đối với tất cả mọi người dân và rất lâu dài, nó đòi hỏi sự tổ chức của Nhà nước một cách bài bản.
    Các rủi ro mà con người gặp phải:
    - Thứ nhất là già nua, quy luật về sinh - lão - bệnh  - tử là một quy luật tất yếu, ta có giai đoạn sinh ra lớn lên, khỏe mạnh sung sức nhưng rồi tất nhiên đến một ngày chúng ta cũng sẽ bị bệnh và khi bị bệnh cuối cùng cuộc đời cũng kết thúc. Sinh - lão - bệnh - tử là một quy luật con người chưa thể khắc phục được. Loài người có ước vọng sống lâu trăm năm, nghìn năm? Có những người ước vọng tìm ra vấn đề cải lão hoàn đồng, nhưng cho đến nay vẫn là vấn đề rất bí ẩn, ngay cả cái chết của con người liệu đã được mã hóa trong gen chưa? Đây cũng là những câu hỏi mà cả thế giới đến bây giờ vẫn chưa trả lời được.     Như vậy già nua là không thể tránh khỏi, dẫn đến giảm sức lao động, giảm thu nhập và ai nuôi mình đây, đó chính là câu hỏi?
    -Thứ hai là bệnh tật, nói tuổi già là vốn quý của xã hội, chúng ta phải tôn trọng chăm sóc những người cao tuổi, nhưng về mặt nào đó tuổi già là gánh nặng đối với xã hội. Nếu chúng ta không quan tâm đến việc giải quyết vấn đề này thì khi già nua biết trông cậy vào ai? Trong xã hội chúng ta có một thói quen đó là trông cậy vào con cái, chúng ta có những hình ảnh đẹp như là tứ đại đồng đường, nhưng ngày nay nhị đại đồng đường còn khó nói chi đến tứ đại đồng đường và ông cha ta có câu “nước mắt chảy xuôi chứ không phải chạy ngược”, điều đó nói lên cái gì, chúng ta chăm bẳm con cái hết lòng nhưng trong xã hội hiện đại con cái cũng không thể chăm chúng ta như chúng ta từng mong muốn.
    Thực trạng của đất nước chúng ta hiện có 7% người cao tuổi, vào khoảng 6 - 7 triệu người cao tuổi, nhưng hiện nay chưa đến 30% người cao tuổi có lương hưu và được hưởng các khoản trợ cấp, vậy 70% còn lại sẽ như thế nào, bệnh tật xảy ra sẽ như thế nào? Nên vấn đề an sinh xã hội là vấn đề hết sức quan trọng. Như vậy vấn đề già nua đó xã hội có cần phải giải quyết không, nếu không giải quyết thì sẽ xảy ra vấn đề gì? Cho đến nay trên nước ta có khoảng 30% đang ở độ tuổi lao động có bảo hiểm xã hội, vậy còn lại khoảng 70% lao động nhưng không có bảo hiểm xã hội. Vậy họ sẽ sống như thế nào khi về già?
Từ 58 tuổi trở lên sức khỏe trở nên đi xuống, có những người sáng dậy thấy mặt méo, rồi có những người tự nhiên lưng đau, nhức đầu, chóng mặt… đấy là những dấu hiệu bắt đầu bệnh tật và nó sẽ làm giảm sút sức khỏe rất là nhiều, dẫn đến bệnh hiểm nghèo cũng có, bệnh nguy hiểm cũng có và tốn rất nhiều tiền để chữa bệnh, bệnh tật là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nghèo đói. Tại sao bệnh tật lại dẫn đến nghèo đói? có hai lý do, một là mất sức lao động; hai là chi phí về khám chữa bệnh hiện tại và trong tương lai là một khoản chi phí lớn so với thu nhập của người dân.
    Chúng ta luôn mong muốn rằng chi phí khám chữa bệnh giảm đi, nhưng trên thực tế chi phí khám chữa bệnh khó lòng mà giảm đi, vì hai lý do:
    + Lý do thứ nhất, con người ham sống sợ chết kể cả các nhà khoa học, bởi vậy có thành tựu khoa học nào thì lĩnh vực sức khỏe là lĩnh vực đầu tiên mà người ta áp dụng và do áp dụng công nghệ mới cho nên giá thành rất cao.
    + Lý do thứ hai, đó là vấn đề thương mại hóa trong y tế, một xu thế toàn cầu hiện nay, không riêng gì ở nước ta. Phải có những giải pháp giáo dục, giải pháp về mặt hành chính để ngăn chặn sự suy thoái về mặt đạo đức y tế.
    Bên cạnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng, yêu cầu tăng thì giá dịch vụ y tế tăng, phân biệt hai chữ nhu cầu và yêu cầu: trong chăm sóc sức khỏe hai từ này là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, nhu cầu là cái cần thiết do vấn đề bệnh tật; yêu cầu thì tùy thuộc vào khả năng chi trả của người bệnh chứ không phụ thuộc vào mức độ nặng hay nhẹ của bệnh. Bởi vậy, chỉ có người giàu mới có tiền và chi trả cho các yêu cầu và người nghèo thì không có tiền và chỉ có thể trả cho nhu cầu.  
    Để giải quyết vấn đề tài chính của y tế, chỉ có ba nguồn:
    + Nguồn thứ nhất là từ ngân sách Nhà nước, ngân sách Nhà nước lấy ở đâu ra? Từ thuế, từ viện trợ, vốn vay (tiền thuế do công sức của người dân đóng góp; tiền viện trợ cũng từ công sức của nhân dân nước viện trợ đóng góp; vốn vay thì phải lo trả nợ đúng hạn).
    Ví dụ: ở Cần Thơ xảy ra một vụ dịch bệnh, tức tốc Nhà nước phải chi vào đấy, Nhà nước quyết định và rõ ràng việc chi ấy nằm trong tay Nhà nước. Như vậy, người đóng thuế nhiều hay ít đều được hưởng cả, cái ưu việt của ngân sách Nhà nước là như vậy. Nhưng cho đến nay không một nhà nước nào có thể bao cấp toàn bộ cho vấn đề ngân sách y tế.
    + Ngân sách thứ hai mà ngành y tế có đó là tự trả của người dân, là tiền trong túi của bệnh nhân, chúng ta gọi là viện phí. Có nghĩa là điều trị như thế nào thì trả như thế đấy, nằm 2 ngày thì trả tiền 2 ngày, dùng thuốc kháng sinh nào thì bỏ tiền ra mà mua, thực chất là bệnh viện mua hộ giúp cho bệnh nhân, đó là tiền trao cháo múc. Ưu điểm: đó là cơ chế thanh toán nhẹ nhàng.
    Đây là điều chúng ta cần chú ý và chính vì ta không hiểu điều này cứ thích  cơ chế thanh toán gọn nhẹ cho nên khoái viện phí. Nhưng viện phí nó có hạn chế cơ bản đó là cạm bẫy của sự đói nghèo, làm cho người nghèo ngày càng nghèo hơn, làm cho tầng lớp trung lưu rơi xuống tầng lớp nghèo. Bước vào thời kỳ đổi mới, nhà nước không có tiền để cung cấp cho các chính sách y tế mà đưa ra biện pháp đó là: dân trị bệnh đến đâu thì trả tiền đến đấy, tự bỏ tiền ra mà chữa bệnh, coi đây là một giải pháp cứu cánh.
    + Vậy, khả năng thứ ba đó là chúng ta tổ chức bảo hiểm y tế.
    Bảo hiểm y tế có ưu điểm, hạn chế gì?
    + Ưu điểm, là sự chia sẻ rủi ro bệnh tật của cộng đồng tạo ra quỹ bảo hiểm, mà khi nào ốm đau quỹ đó chia sẻ cho mình tiền để khám chữa bệnh và mình đỡ phải lo khoản tài chính lớn trong vấn đề khám chữa bệnh. Nhưng bảo hiểm y tế  cũng có nhược điểm đòi hỏi tổ chức một quy trình hạch toán không đơn giản và phải biết tổ chức nếu như tổ chức không đúng sẽ xảy ra những vụ việc rối rắm, dẫn tới việc trục lợi bảo hiểm y tế, người được hưởng, người không được hưởng.
    + Về hạn chế, đó là người nào đóng bảo hiểm y tế thì người đó được hưởng, ai không đóng thì không được hưởng, bởi vậy có những người không tham gia bảo hiểm y tế thì họ không nằm trong diện bao phủ này.
    Đó là ưu - nhược điểm của ba loại tài chính y tế, điều quan trọng là việc tính viện phí, tỷ lệ tiền túi của người dân so với tổng chi tiêu của y tế từ 50% trở lên thì nền y tế đó dẫn đến những hiệu quả gì? khi ngân sách tư (dân tự trả) tức là viện phí chiếm 50% cho tổng chi xã hội y tế, thì đó là một nền y tế cực kỳ không công bằng, đó là nền y tế khác biệt giữa các nhóm dân cư, y tế đầu tư vào sức khỏe với mức độ thấp là một nền y tế làm nghèo đói tăng. Vì vậy, muốn chống nghèo đói ta phải nghiên cứu lập ra cái cơ chế tài chính y tế công bằng, nói cách khác là phải thiết lập bảo hiểm y tế.
    Nói tóm lại bảo hiểm y tế là sự chia sẻ rủi ro về vấn đề bệnh tật, giúp cho người dân thoát khỏi vấn đề nghèo đói, khi chúng ta hiểu được cái giá trị của bảo hiểm y tế như vậy, thì chúng ta sẽ thực hiện bảo hiểm y tế đầy đủ hơn, suông sẻ hơn. Hiểu được những lý luận này thì tuyên truyền mới sâu sắc, mới cặn kẻ.
    Ở nước ta, tỉ lệ của ngân sách tư (dân tự trả) viện phí so với tổng chi y tế là: năm 2002 là 61%, năm 2007 là 55,2%, năm 2012 là 49%, năm 2014 là 44%. Như vậy nhìn qua số liệu ta thấy tiền viện phí hay nói cách khác là tiền túi của người bệnh là xấp xỉ 50%, mà đã xấp xỉ 50% thì hậu quả của nền kinh tế sẽ mang lại nghèo đói tăng. Vậy thì ta có cần phải điều chỉnh không? Chúng ta có để cho ngành y tế trở thành là một trong những nguyên nhân dẫn đến nghèo đói tăng. Từ đó phải hết sức quan tâm xây dựng một nền y tế tốt: tiêu chí thứ nhất là khám chữa bệnh tốt và tiêu chí thứ hai đó là không được làm nghèo hóa người dân thông qua chi phí khám chữa bệnh.
    Tóm lại, không làm bảo hiểm y tế tốt thì nghèo đói tăng, một nền y tế tốt không những là một nền y tế khám chữa bệnh tốt mà còn là một nền y tế không được làm nghèo hóa người dân do chi phí khám chữa bệnh.
    Chúng ta hiểu vì sao bảo hiểm xã hội, nảo hiểm y tế là trụ cột? nó giải quyết những vấn đề rủi ro, giảm thiểu rủi ro, khắc phục rủi ro, phòng ngừa rủi ro mà cái rủi ro ấy đông người nhất, phổ biến nhất, lâu dài nhất. Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị BCHTW Đảng lần thứ bảy (khóa XII), về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội cũng dựa trên những điểm tinh thần và lý luận ở trên. Xét về mặt tầm ảnh hưởng thì bảo hiểm liên quan đến an sinh xã hội của nhiều người, giải quyết rủi ro của mọi người. So với phương pháp phòng tránh rủi ro khác thì có ưu điểm vượt trội là có sẵn và chắc chắn.
    Về công tác tuyên truyền trong bảo hiểm rất quan trọng, vì các lý do sau:
    - Một là, đây là một việc làm tự nguyện không mang tính bắt buộc theo nghĩa vụ và đã tự nguyện thì phải có sự thông tư tưởng.
    - Hai là, có những biểu hiện mà chúng ta phải chống:
      + Thứ nhất: nước đến chân mới nhảy, khá phổ biến, khi nào ốm đau mới tham gia bảo hiểm y tế.
      + Thứ hai: không chia sẻ, mặc kệ ai.
      + Thứ ba: ỷ lại vào xã hội, rằng xã hội phải lo cho mình. Cái tư tưởng này do đã trải qua cái thời kỳ bao cấp toàn bộ cho y tế. Cho nên chúng ta phải làm công tác tuyên truyền chống ỷ lại vào xã hội.
    Giải pháp tuyên truyền về bảo hiểm là hết sức quan trọng, ngoài tính cấp thiết, tính chia sẻ chúng ta cần quan tâm hơn đến lợi ích của bảo hiểm, qua những ví dụ thực tế ngay tại địa phương về những gia đình đã vượt qua những khó khăn về tài chính trong y tế; giải quyết những vấn đề bảo hiểm xã hội đối với những người về hưu, lãnh lương hưu an dưỡng tuổi già, chế độ tử tuất, ... để chứng minh tuyên truyền cụ thể (người bị bệnh nặng được bảo hiểm chi trả số tiền lớn, vấn đề điều trị ung thư bây giờ rất tốn kém, nếu có BHYT sẽ giúp vượt qua khó khăn tài chính như thế nào, giải quyết nghèo đói cho gia đình như thế nào? Hay những cụ già có bảo hiểm lương hưu sống ra sao? Đó là những ví dụ tốt để chúng ta tuyên truyền về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế).
    Đặc biệt cần đổi mới mọi hình thức trong công tác tuyên truyền:
    Thứ nhất, khi tuyên truyền cần nêu vấn đề cụ thể, tác động trực tiếp đến tâm lý người nghe: về già các bạn sống bằng nguồn tiền gì? khi đi khám chữa bệnh các bạn lấy tiền ở đâu ra? những câu hỏi như vậy có khi nó có tác dụng tuyên truyền hơn những khẩu hiệu mang tính chất chung chung.
    Thứ hai, bảo hiểm có đóng thì có hưởng, không đóng thì không được hưởng; nhưng thuế có người không có đóng nhưng vẫn được hưởng.
    Thứ ba, còn có nhiều người hiểu sai về bảo hiểm xã hội: một là hiểu bảo hiểm là thuế, hai là hiểu bảo hiểm là gửi tiền tiết kiệm.
    Cần phân tích rõ: bảo hiểm và thuế hoàn toàn khác nhau, bảo hiểm là tự nguyện, dành để khắc phục rủi ro, giảm thiểu rủi ro; còn thuế là bắt buộc, không đóng là vi phạm pháp luật. Bảo hiểm và gửi tiền tiết kiệm khác nhau, bảo hiểm là tự nguyện, gửi tiền tiết kiệm cũng tự nguyện, nhưng bảo hiểm là phi lợi nhuận còn gửi tiền tiết kiệm là lợi nhuận, bảo hiểm là được Nhà nước bảo hộ, còn tiền tiết kiệm thực chất không được bảo hộ. Một vấn đề nữa, gửi tiền tiết kiệm thì hàng tháng có lãi, nhưng bảo hiểm thì không có lãi. Nếu ta tuyên truyền bảo hiểm như là tiết kiệm thì sẽ dẫn đến một vấn đề, hàng tháng cứ đi khám bệnh, không có bệnh vẫn đi khám và vẫn nhận thuốc dù không uống mà coi như là lãi thì không đúng.
    Qua những vấn đề phân tích trên, yêu cầu tất cả cán bộ và đảng viên quán triệt, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, quyền lợi của việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến tất cả mọi người dân, để nâng cao nhận thức, tự giác tham gia, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo hạnh phúc cho mọi người.

Thành Hân - BTG Quận ủy (Trích từ bài nói chuyện của GS-TS Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y Tế; nguyên Phó Ban Tuyên giáo Trung ương)





Các bài viết khác:
Sự đồng cảm sẻ chia trong mùa dịch
Hoạt động Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm 6B
Người dân chung tay cùng địa phương chống dịch
Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 01 tháng 8 năm 2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường một số biện pháp cấp bách thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố Cần Thơ
Ô Môn: đảm bảo cung cấp đẩy đủ lương thực, thực phẩm
Giúp dân trong mùa dịch
Yêu cầu người dân trước khi vào thành phố Cần Thơ cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 7 ngày kể từ ngày có kết quả xét nghiệm
Kệ thực phẩm 0 đồng "Ai thừa đến ủng hộ, ai thiếu đến nhận"
Quan tâm, chăm lo chiến sĩ trực tại chốt kiểm soát phòng dịch
Lời kêu gọi tham gia ủng hộ đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19